Phân loại và đặc điểm Tin giả

Có nhiều ý kiến khác nhau trong việc phân biệt các loại tin giả. Theo Claire Wardle của First Draft News (một dự án "chống lại sự sai lệch thông tin trực tuyến" được thành lập vào năm 2015 bởi 9 tổ chức do Phòng thí nghiệm Google News tập hợp lại.) thì có 7 loại tin giả khác nhau:

  • Châm biếm/giễu nhại ("không có ý định gây hại nhưng có thể gây nhầm lẫn thông tin")
  • Các yếu tố liên quan đến bài viết bị sai ("khi tiêu đề, hình ảnh hoặc chú thích không đúng với nội dung bài viết")
  • Nội dung sai lệch ("sử dụng thông tin sai lệch để đánh giá một vấn đề hoặc một cá nhân")
  • Bối cảnh sai ("khi nội dung được chia sẻ với thông tin ngữ cảnh sai")
  • Tin mạo danh ("các tin tức mạo danh từ các nguồn đáng tin cậy”)
  • Nội dung bị thao túng ("khi thông tin hoặc hình ảnh chân thực bị thao túng để đánh lừa", ví dụ như với một bức ảnh "đã được chỉnh sửa")
  • Nội dung bịa đặt ("nội dung hoàn toàn không đúng, được tạo ra để đánh lừa và chuộc lợi")

Ngoài ra, có một cách phân loại các tin giả trực tuyến rất phổ biến. Bao gồm các loại tin giả sau:

  • Clickbait (mồi nhử nhấp chuột): là một đoạn văn bản, hình ảnh,... được tạo ra với nội dung cuốn hút, giật gân và được liên kết tới một website cụ thể nhằm lôi kéo người dùng nhấn vào.
  • Propaganda (Tuyên truyền): là việc đưa ra các thông tin (vấn đề) với mục đích đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng nào đấy mà người nêu thông tin mong muốn.
  • Satire/parody (châm biếm /giễu nhại): là thủ pháp dùng lời lẽ, tranh vẽ hay những màn trình diễn nghệ thuật sắc sảo, cay độc, thâm thuý để vạch trần thực chất xấu xa của những đối tượng (cá nhân) và hiện tượng trong xã hội.
  • Sloppy journalism (Sự cẩu thả trong báo chí): các phóng viên hoặc nhà báo có thể tạo ra một bài viết với thông tin không đáng tin cậy, từ đó có thể khiến cho độc giả tiếp nhận thông tin sai
  • Misleading headings (Giật tít): Những bài viết có thể không sai thông tin trong nội dung nhưng bị bóp méo bằng cách sử dụng các tiêu đề sai lệch hoặc giật gân.
  • Biased or slanted news (Tin tức thiên kiến): là những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ

Mồi nhử nhấp chuột

Nội dung của mồi nhử nhấp chuột thường là thông tin, từ khóa tổng hợp từ những website khác nhau nhằm tạo ra vấn đề người dùng thấy hứng thú. Các clickbait thường chỉ là đoạn văn ngắn không quá 300 từ và không có nội dung gốc phù hợp với tiêu đề. Mồi nhử nhấp chuột có thể là hình ảnh hoặc văn bản gây tò mò để người dùng nhấp vào link trang web. Mồi nhử nhấp chuột có rất nhiều dạng như là hình ảnh, câu từ, đoạn văn ngắn,… và kích thước khác nhau để tạo sự kích thích cho người dùng mạng xã hội nhấn vào.[47]

Phương pháp này được những người quản lý website, doanh nghiệp sử dụng với mục đích tích cực và tiêu cực. Về khía cạnh tốt, tích cực thì trang web thông qua link mồi câu này sẽ tăng được lượt khách truy cập website.

Mặt tiêu cực trong cách dùng kỹ thuật này chính là liên kết với các trang, phần mềm chứa virus độc hại, các website tin tặc, đánh cắp thông tin người sử dụng,… Đã có rất nhiều trường hợp gặp phải tình huống ấn vào link lừa đảo, lấy cắp thông tin cá nhân để làm lợi riêng khiến người dùng mạng xã hội gặp vấn đề khó khăn, nguy hiểm.

Sự tuyên truyền

Về cơ bản nhất, tuyên truyền là việc thông tin sai lệch hoặc việc tuyên truyền sai lệch được lưu hành thông qua một số hình thức truyền thông đại chúng với mục đích thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị hoặc quan điểm nào đó. Tuyên truyền là cố tình không khách quan và thường là một phần của một chiến dịch tâm lý lớn hơn để tác động đến mọi người đối với một ý kiến cụ thể. Nó có thể bao gồm những lời nói dối hoàn toàn hoặc thông tin sai lệch và kiểm duyệt tinh vi hơn.

Tuyên truyền hoạt động bằng cách đánh vào yếu tố cảm xúc thông qua hình ảnh, khẩu hiệu và sử dụng có chọn lọc thông tin hoặc kiểm soát và kiểm duyệt các sự kiện. Điều này đặc biệt đúng nếu tuyên truyền đang được sử dụng bởi một chính phủ đang kiểm soát phương tiện truyền thông bằng cách kiểm duyệt hoặc một người sở hữu và điều hành các phương tiện truyền thông, như trường hợp ở Liên Xô cũ.

Sự khác biệt giữa tuyên truyền và tin đồn là tuyên truyền có ý định đằng sau nó, thường là với một chiến dịch được tổ chức, tài trợ.[48]

Tiêu đề đánh lạc hướng

Một tiêu đề sai lệch là một tiêu đề có ý nghĩa khác với nội dung của câu chuyện.[49]

Tiêu đề đánh lạc hướng có nghĩa thông dụng là “những tiêu đề gây sốc”, “những tiêu đề gây chú ý”, “những tiêu đề độc lạ”, nhằm cuốn hút người xem, hay nói đúng hơn là dùng để câu like, view, và share. [50]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tin giả http://libraryguides.vu.edu.au/c.php?g=460840&p=53... http://politi.co/2FaV5W9 http://www.cnn.com/2016/12/05/opinions/suing-fake-... http://abcnews.go.com/Technology/fake-news-stories... http://history.com/this-day-in-history/the-great-m... http://slate.com/blogs/future_tense/2017/08/08/fac... http://libraryproxy.tulsacc.edu:2076/ehost/detail/... http://www.libraryproxy.tulsacc.edu:2060/ehost/pdf... http://www.politico.eu/article/fake-news-busters-g... //dx.doi.org/10.1080%2F0020174x.2018.1508363